(028)38257196

nang-thoi-han-su-dung-the

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC. Một điểm mới đáng lưu ý trong văn bản này là việc thay đổi thời hạn của thẻ ABTC theo thỏa thuận của các thành viên trong khối APEC. Nếu như trong quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 45/2006/QG-TTg, thẻ ABTC chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 03 năm kể từ ngày cấp và không được gia hạn; thì tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg pháp luật mở rộng thêm thời hạn sử dụng lên 05 năm, thay đổi này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2015. Cụ thể, những hồ sơ xin cấp thẻ được nộp trước ngày 31 tháng 8 năm 2015 sẽ được cấp Thẻ ABTC có thời hạn sử dụng là 03 năm. Hồ sơ tiếp nhận sau ngày 01 tháng 9 năm 2015 sẽ được cấp thẻ ABTC với thời hạn 05 năm[1]. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều có thời hạn cố định như trên mà điều này còn phụ thuộc vào thời hạn của hộ chiếu (passport) của chủ thẻ.

Việc gia tăng hiệu lực thẻ ABTC từ 3 đến 5 năm là một sự sửa đổi cần thiết và quan trọng. Trong bối cảnh giao lưu thương mại giữa các quốc gia phát triển mạnh, đặc biệt là các quốc gia nằm trong các khối kinh tế như APEC, vấn đề đi lại giữa các nước và vùng lãnh thổ là tất yếu. Vì vậy, nhu cầu làm thẻ APEC của nhiều doanh nhân ngày càng gia tăng. Điều này một mặt cũng gây sức ép lên các cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ, cụ thể tại Việt Nam là Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an. Việc nới dài thời hạn thẻ góp phần làm giảm tần suất xin thẻ mới, giảm bớt gánh nặng công tác giải quyết cấp mới – cấp lại thẻ. Từ đó cũng tiết kiệm thời gian xem xét hồ sơ xin cấp thẻ, chi phí phát sinh như in ấn và phân phối thẻ v.v … Đồng thời, lợi ích từ việc gia tăng thời hạn trên thẻ ABTC đối với bản thân các chủ thẻ là họ được tăng thời gian để trải nghiệm thẻ, và tiết kiệm chi phí làm lại thẻ hơn. Theo nghiên cứu của Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (APEC Policy Support Unit), sở hữu thẻ ABTC giúp mỗi doanh nhân tiết kiệm được khoảng 38% chi phí đi công tác nước ngoài trong các quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên APEC. Bên cạnh đó, thẻ ABTC cũng giúp giảm 27,8% phí gia nhập, thời gian xin nhập cảnh được rút ngắn 43,3% và thời gian xử lý nhập cảnh tại quầy thủ tục xuất nhập cảnh được rút ngắn đến 52,4%, những con số này sẽ được gia tăng khi thời hạn trên thẻ được nới rộng. Bên cạnh đó, nó cũng khuyến khích các doanh nhân đăng ký được cấp thẻ ABTC hơn, đây là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy việc giao lưu kinh tế thuận tiện hơn giữa nhiều quốc gia trong khối APEC.

Thêm một vài lưu ý về vấn đề hiệu lực của thẻ ABTC, như đã đề cập ở trên, vấn đề hiệu lực là mối lưu tâm quan trọng đối với các doanh nhân khi sử dụng loại thẻ này. Khi cân nhắc đến việc làm lại hoặc làm mới thẻ ABTC với thời hạn 05 năm, các chủ thẻ cần cân nhắc đến hiệu lực của hộ chiếu (passport) của mình không dưới 05 năm. Điều này giúp các chủ thẻ sử dụng được tối đa hiệu lực của thẻ ABTC và trải nghiệm những hiệu quả to lớn khi sở hữu trong tay chiếc thẻ này.


[1] Theo Vụ chính sách thương mại, Thẻ đi lại của doanh nhân APEC có giá trị sử dụng trong 5 năm kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2015, [http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/5603/the-di-lai-cua-doanh-nhan-apec-co-gia-tri-su-dung-trong-5-nam-ke-tu-ngay-01-thang-9-nam-2015.aspx], truy cập vào ngày 25/04/2016.

Nâng thời hạn sử dụng thẻ ABTC (thẻ APEC) từ 3 năm lên 5 năm